Trả lời một tờ báo trong nước, nhiếp ảnh gia Edwin Ong Wee Kee khẳng định, bức ảnh mà ông chụp được là một khoảnh khắc hoàn toàn tự nhiên. Nó không phải là dàn dựng như những gì mà cộng động nhiếp ảnh đang "tố" ông.
Chia sẻ với báo giới, Edwin Ong Wee Kee cho biết, khi ông đang đi trên một cánh đồng lúa ở Việt Nam và trông thấy một người mẹ và hai con. Sau đó, nhóm của ông đã hỏi mẹ con người dân tộc H'Mông để xin chụp ảnh. Người mẹ H'Mông trong bức ảnh đồng ý và sẵn lòng ngồi xuống để chúng tôi chụp, nhiếp ảnh gia này chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia người Malaysia cũng khẳng định, nhóm chụp ảnh của ông không yêu cầu mẹ con người dân tộc H'Mông phải đứng lên, ngồi xuống tạo dáng. Sau khi chụp ảnh, ông cũng thấy mẹ con cô ấy vẫn ngồi đó dù nhóm chụp ảnh ông rời đi.
Một nhiếp ảnh gia khác người Malaysia có đi chung với Kee cũng khẳng định đó là bức ảnh khoảnh khắc ngẫu nhiên và không hề có tính toán trước.
Trước đó, bức ảnh chân dung hai mẹ con người dân tộc H’Mông ở Yên Bái đã đoạt Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Hamdan (HIPA) uy tín. Bức ảnh này đã mang về cho Edwin Ong Wee Kee giải thưởng lớn trị giá 120.000 USD (hơn 2,8 tỷ đồng).
Tuy nhiên, chỉ vào ngày sau, một bức ảnh hậu trường đã lộ diện, nhiều người "bóc mẽ" đó không phải là khoảnh khắc ngẫu nhiên mà có thể là sự dàn dựng. Bức ảnh hậu trường này được chia sẻ bởi Ab Rashid, một nhiếp ảnh gia và nhà sáng lập tạp chí BD Stress.
Bức ảnh hậu trường này cho người xem thấy rõ vẫn là ba mẹ con người dân tộc H'Mông trong trang phục và vị trí chụp như bức ảnh chiến thắng của nhiếp ảnh gia người Malaysia. Thậm chí trong bức ảnh còn có sự xuất hiện của Edwin Ong Wee Kee (áo màu trắng). Vì vậy, nhiều người chơi ảnh lên tiếng, gây ra nhiều tranh cãi.
Tuy vậy, Giải thưởng HIPA thực ra là một giải thưởng nhiếp ảnh nói chung và không phải là một cuộc thi chụp ảnh, vì vậy không có bất kỳ quy tắc nào bị phá vỡ trong trường hợp này. Tức bức ảnh dù có dàn dựng đi chăng nữa vẫn hợp lệ, không vi phạm bất kỳ quy định nào.
Gia Hưng